08 VẤN ĐỀ “ĐAU ĐẦU” CẦN LƯU TÂM KHI KHỞI NGHIỆP

Có ý tưởng tốt chỉ là sự khởi đầu, để khởi nghiệp thành công các Start-up phải đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn.

1. CẦN CÓ Ý TƯỞNG TỐT

Ý tưởng tốt ít nhất phải được người thân, bạn bè cùng chung chí hướng và đam mê (hay có hiểu biết nhất định về lĩnh vực đó) đánh giá có tính khả thi. Tìm trên ít nhất một người bạn đồng hành chia sẻ các khó khăn trong quá trình khởi nghiệp rất quan trọng.
Bởi không ít start-up hình thành chỉ để thỏa mãn đam mê cá nhân. Nhưng nếu hội tụ đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, ý tưởng có vẻ hoang đường đó lại đem đến thành công bất ngờ. Nếu có ý tưởng độc đáo, khác lạ đừng ngần ngại chia sẻ vì biết đâu sẽ có người thích điều đó.

2. CHỌN THỜI ĐIỂM BẮT ĐẦU THEO ĐUỔI Ý TƯỞNG

Trong khi nhiều người thường mắc sai lầm là đứng ngoài cuộc để phân tích ý tưởng cho trước, xác định ý tưởng đó có tốt hay không trước triển khai. Song trên thực tế, những ý tưởng tốt nhất chỉ đến khi họ đã mở doanh nghiệp.

Từ thực tế này, Dharmesh Shah – chuyên gia khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần cho hơn 60 doanh nghiệp khởi sự, người sáng lập cộng đồng khởi nghiệp với hơn 500 nghìn start-up – cho rằng: start-up nên chọn ra những ý tưởng tốt nhất trong các ý tưởng đang xem xét và thử nghiệm nó với thị trường. Không cần cố gắng tạo ra sản phẩm hoàn thiện mà chỉ cần trao đổi với các khách hàng tiềm năng, viết các bài blog và xác định tổng thể thị trường tiềm năng cho sản phẩm đang gây dựng.
Đừng lo lắng quá nhiều về điều kiện kinh tế vĩ mô ở thời điểm khởi nghiệp. Bởi có không ít doanh nghiệp được thành lập và gặt hái được thành công trong chu kỳ đi xuống của thị trường.

3. CHỌN ĐÚNG CỘNG SỰ và NHÂN VIÊN

Cộng sự và đội ngũ nhân viên lúc khởi nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Khi tìm kiếm người đồng sáng lập và các cộng sự, hãy chắc chắn rằng bạn đã chọn đúng người. Cộng sự là yếu tố quan trọng nhất để khởi nghiệp thành công. Cộng sự phải là những người bổ sung các kỹ năng cho nhau và hết lòng xây dựng start-up. Nó đòi hỏi sự chia sẻ và hy sinh cùng tinh thần trách nhiệm cao. Thậm chí, cộng sự còn quan trọng hơn ý tưởng.

Bên cạnh đó, những nhân viên thuê đầu tiên cũng sẽ góp phần định hình văn hóa, bản sắc và tương lai của công ty. Một nhân viên xuất sắc so với nhân viên tốt có thể tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Nếu muốn phát triển doanh nghiệp thành doanh nghiệp nổi bật và khác biệt, hãy tìm kiếm những người sẽ thách thức và đứng sau hỗ trợ cho mọi quyết định của bạn.
Văn hóa doanh nghiệp cũng là vấn đề cần lưu tâm và được định nghĩa rõ ràng, có ý nghĩa. Bởi điều đó sẽ góp phần tạo ra bản sắc riêng cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo mọi người đều hiểu rõ doanh nghiệp trông đợi ở họ điều vì và mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng đến.

4. THẬN TRỌNG KHI PHẢN HỒI Ý KIẾN

Khi gây dựng start-up hướng đến thị trường mục tiêu, việc thực hiện một số nhượng bộ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng đầu tiên là điều cần thiết. Đôi khi, điều này sẽ khiến bạn phải có những điều chỉnh nhất định trong chiến lược phát triển dài hạn.

Dharmesh Shah cho rằng: Đây là việc làm cần thiết. Bởi các doanh nghiệp nhanh nhạy sẽ quan tâm đến phản hồi của khách hàng để có những điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta có thể tập trung nhiều hơn vào mục tiêu cuối cùng và những việc phải làm để đạt được mục tiêu đó. Nếu vậy, các start-up cần xem xét những phản hồi của khách hàng thông qua lăng kính tầm nhìn tương lai.

Việc lựa chọn giữa hai chiến lược này sẽ tùy thuộc vào các start-up. Tuy nhiên, quyết định cần được đưa ra dựa trên thị trường mà start-up muốn hướng đến. Dù lắng nghe khách hàng, nhưng cũng phải hướng đến việc tạo ra điều gì đó cho thị trường mục tiêu. Theo đó, việc xác định đối tượng khách hàng cần lắng nghe có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

5. THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP ĐỂ TÌM KIẾM NHÀ ĐẦU TƯ

Vốn luôn là vấn đề lớn với các start-up. Tuy nhiên, không nên kêu gọi vốn đầu tư sớm mà nên chờ đợi càng lâu càng tốt. Bởi theo Dharmesh Shah, đây là việc làm đặc biệt khó khăn.Vì thế, chờ đợi thời điểm thích hợp là việc làm cần thiết, động thái mang tính chiến thuật mà các start-up cần lưu ý.

Trước khi kêu gọi vốn đầu tư, start-up cần tạo ra sản phẩm thử nghiệm cho thị trường giới hạn. Khi dự án bắt đầu phát triển mạnh khiến các start-up không còn đủ khả năng duy trì nó một mình, lúc đó mới nghĩ đến việc gọi vốn.
Các công cụ miễn phí như Google Analytics cho phép chúng ta đo lường mức độ thành công và điều chỉnh chiến lược. Nếu đã có ngân sách tiếp thị, thì có thể sử dụng công cụ phân tích và báo cáo của HubSpot để theo dõi những mối liên kết trong suốt vòng đời tiếp thị, từ điểm tiếp cận đầu tiên đến hành động mua sắm và xa hơn nữa.

6. TÌM ĐÚNG NHÀ ĐẦU TƯ

Xác định đúng nhà đầu tư trước khi huy động vốn từ họ. Các nhà đầu tư bên ngoài có thể là bạn bè hay các thành viên trong gia đình cũng có thể là các ngân hàng, nhà đầu tư mạo hiểm. Họ sẽ đầu tư thông qua việc cho vay, mua cổ phiếu hoặc kết hợp cả hai cách. Cần tìm hiểu xem mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư có phù hợp khi tham gia dự án của bạn. Tuy nhiên, 4 điều mà các nhà đầu tư luôn đánh giá cao là tin tưởng, sự hiểu biết mô hình kinh doanh, tự tin về tài chính và khả năng sinh lợi nhuận.

Muốn thuyết phục được nhà đầu tư, người thuyết trình cần có kế hoạch chi tiết. Cách tốt nhất là nên tạo bản slide. Hãy tóm tắt ý tưởng kinh doanh để nó trở nên dễ hiểu, hấp dẫn, nhưng phải có tính khả thi. Trong đó, cần nêu rõ mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Tốt nhất nên tập trung nêu bật điểm độc đáo của ý tưởng, những điểm riêng so với các sản phẩm đã có trên thị trường. Ngoài ra cần khoanh vùng lĩnh vực cần vốn của nhà đầu tư theo thứ tự ưu tiên do một start-up không phải chỉ có một nhà đầu tư.

7. CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG VỊ TRÍ MỞ VĂN PHÒNG

Vị trí văn phòng là nguồn lực có thể sử dụng để tạo lợi thế. Nó có thể giúp start-up xác định bối cảnh rộng lớn của lĩnh vực đang theo đuổi và mưu lược hơn trong việc ra quyết định, nhất là trong những tháng đầu tiên.

Với các công ty công nghệ cao, việc đặt mình vào môi trường của các doanh nhân có cùng tư duy, những người có thể đưa ra lời khuyên hay có tầm ảnh hưởng, thân quen với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực công nghệ cao hoặc các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm từng cộng tác với các công ty tương tự rất quan trọng. Tất nhiên, vị trí không phải là tất cả.

8. ĐỪNG QUÁ TẬP TRUNG CHO THƯƠNG HIỆU MÀ BỎ QUA NHỮNG NHÂN TỐ KHÁC

Khi khởi nghiệp, điều quan trọng là không để thất bại của người khác ám ảnh tâm trí. Thực tế có không ít người bị ám ảnh với việc xây dựng thương hiệu trong khi bỏ quên các khía cạnh khác của doanh nghiệp. Dù việc xây dựng thương hiệu là phần quan trọng để tạo nên bản sắc riêng, nhưng vẫn còn những vấn đề khác trong chiến lược kinh doanh cần chú ý đến.
Vì thế, đừng dành quá nhiều thời gian để xem xét hình ảnh thương hiệu muốn hướng tới trong khi lại bỏ qua cách xây dựng thương hiệu như thế nào. Bởi không thể thu hút được khách hàng tiềm năng, thì không bao giờ thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư đã bỏ ra.

Cre: Quang Huy

Đăng ký nhận tư vấn Dịch vụ Thuê địa điểm kinh doanh và thành lập Doanh nghiệp tại SenOffice!!!